CLB Tuổi Trẻ Về Nguồn
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Siêu kinh tế học hài hước

Go down

Siêu kinh tế học hài hước Empty Siêu kinh tế học hài hước

Bài gửi by Mizhu Fri Nov 25, 2011 10:49 pm

Đã lâu rồi không tìm được một cuốn sách khiến mình phải vừa đọc vừa ngỡ ngàng. Không chắc thể loại sách này gọi là gì (Những cuốn của Malcom Gladwell, và Freakonomics, Superfreakonomics của Steven D. Levitt & Stephen J. Dubner). Đọc một vài bài báo nước ngoài họ xem đó là “entertaining book” “pop book” giống dạng một dạng sách để giải trí. Nhưng nếu đúng như thế có thể xem đó là giải trí cao cấp, nói sao nhỉ? Một Avatar chăng? Có thể bạn không đạt giải Oscar nhưng bạn khiến cả thế giới phải trầm trồ và xứng đáng với lời nhận xét: “Đó không phải là một bộ phim để bàn tán, đó là một bộ phim để thưởng thức.” À, ý tôi là, “Superfreakonomics không phải là một cuốn sách chỉ để viết cảm nhận, đây là một cuốn sách để nghiền ngẫm.”

Tháng tư năm 2005, sự kết hợp “vì động cơ” giữa hai tác giả Levitt và Dubner, một nhà kinh tế học hàn lâm và một nhà báo, đã cho ra đời một cuốn sách nằm trong hàng non-fiction bán chạy nhất, Freakonomics, Kinh tế học hài hước. Mùa thu năm 2009, quyển này đã bán được 4 triệu bản trên toàn thế giới.


Tháng mười năm 2009, cặp đôi “vì động cơ” này tiếp tục cho ra mắt đàn em của Freakonomics, Superfreakonomics. Tim Harford của tờ Financial Times nhận định Superfreakonomics “giống Freakoconomis, nhưng hay hơn.” Còn Kyle Smith của New York Post mô tả cuốn sách là "brave, bracing and beautifully contrarian”, kẻ chống đối dũng cảm, mới lạ và tốt đẹp. Riêng tôi, hy vọng là có tờ bào nào trích đăng, Superfreakononmics đúng như tên gọi của nó: dữ dội và mạnh mẽ hơn Freakonomics, thảo luận từ đề tài tình dục nhạy cảm đến vấn đề khí hậu toàn cầu gây tranh cãi.


Trước tiên, hãy lướt qua “Vài lời phân bua của tác giả”. Họ đã nói dối trong cuốn đầu tiên. Một cuốn không có chủ đề thống nhất, một mớ hỗn độn phơi bày bí mật của tất cả mọi thứ. (Mớ hỗn độn bán 4 triệu bản???) Lời thanh minh là thế này: thực chất cuốn sách vẫn bám rất sát vào một ý tưởng chủ đạo: Con người hành động vì động cơ; và nó không bàn về bí mật của tất cả mọi thứ “theo nghĩa đen”. Cuốn đàn em này cũng tiếp tục tinh thần của ông anh, tập hợp những câu chuyện riêng lẻ nhưng không-hề-rời-rạc về “động cơ hành động của con người”, và có đề phụ rõ ràng. (Nếu bạn đọc Superfreakonomics vẫn thấy nó chỉ là “một mớ hỗn độn” khác (4 triệu bản nữa chăng?) có lẽ lần sau họ sẽ lại xin lỗi tiếp).


Một cuốn sách kinh tế chẳng viết gì về kinh tế?


Hay một cuốn sách viết về kinh tế theo cái cách mà bạn không trông chờ?


Siêu kinh tế học hài hước 251010sieu_634235950165190000

Thời điểm thai nghén của cuốn sách là giai đoạn khủng hoảng vay nợ mua nhà ở Hoa Kỳ lan nhanh trên thế giới như bệnh dịch hạch. Hàng ngàn cuốn sách đổ xô viết về suy thoái, khủng hoảng như người dân trong cơn khát vàng, khát dầu vài thế kỷ trước, thi nhau xách cuốc, mang xẻng đào bới. Trong lúc đó, Levitt và Dubner chẳng màn bận tâm, dù họ biết rõ hơn ai hết giá trị của vàng. Hai tác giả mải mê “ngập ngụa trong phân ngựa”, nghiên cứu “những cô gái đứng đường”, “hiện tượng trái đất nóng dần lên”, những đề tài hấp dẫn hơn nhiều, những đề tài mà bạn tưởng như đã biết nhưng thực sự chẳng biết gì cả. Ví dụ ư? Đi bộ khi say xỉn nguy hiểm nhiều lần hơn lái xe khi say xỉn. Cá mập hung hăng là những tay sát thủ dở hơi còn voi hiền lành là bọn khát máu. Cần phải bơm thêm khí thải vào bầu khí quyển cứu trái đất(?!?) Khỉ cũng biết dùng tiền mua dâm! Thật “kỳ quặc” nhưng chẳng “kỳ quặc” chút nào khi bạn nhìn mọi thứ dưới lăng kính của một nhà kinh tế học, xem xét sự vật như nó vốn có, nghiên cứu hành vi con người trong đời sống thực. Hãy quên đi những bản báo cáo tài chính nhàm chán để Allie, một cô gái trùm sò trong việc “buôn hương bán phấn”dạy cho bạn thế nào là làm ăn!


Mại dâm! Dù hợp pháp hay bất hợp pháp vẫn là ngành kinh doanh chính thống từ hàng ngàn năm nay. Trong xã hội luôn tồn tại trọng nam kinh nữ, thì kinh doanh tình dục là thị trường hiếm hoi do nữ giới thống trị. Có thời những nàng bướm đêm sinh sống khá khẩm, sung túc dựa vào việc buôn phấn bán hương, nhưng hiện nay, ngành công nghiệp này đang bước vào giai đoạn suy thoái dù nguồn cầu – ham muốn tình dục – vẫn “hừng hực”. Không phải sự kiểm soát của nhà nước là nguyên nhân chính mà do sự xuất hiện của đối thủ cạnh tranh đáng gờm khiến các tú bà và bướm đêm lao đao. Thậm chí có cả những cuộc “vận động hành lang” để mong cứu vãn tình thế, nhưng có vẻ xã hội đang có một sự thay thế tuyệt vời. Mức giá một vài dịch vụ tuột dốc, quan hệ đường miệng từng được xem là hành vi tình dục tao nhã rớt xuống hạng bình thường trong khi nhu cầu thị phần này đang tăng mạnh mẽ. Để sống sót qua cuộc khủng hoảng, những nhà kinh doanh trong ngành công nghiệp xác thịt buộc phải thích ứng với môi trường. Họ mở rộng cách thức thanh toán: đổi tình dục lấy ma túy, giảm giá cho người sử dụng bao cao su; thay đổi cách thức bán hàng và marketing: thông qua ma cô dắt gái; tập trung kinh doanh vào mùa cao điểm… (Ôi trời, đến đây thì rõ ràng là phân tích kinh tế điển hình). Không dừng lại ở đó, tác giả đi sâu nghiên cứu hẳn một “nữ doanh nhân” bán vốn tự có thành công: Allie. Cô thông minh, có năng lực, có đầu óc biện luận, sở hữu bề ngoài hấp dẫn tròn trịa, và quan trọng: cô không muốn làm việc vất vả nên quyết định chỉ làm việc 15 giờ mỗi tuần để kiếm gấp 5 lần thu nhập trước đây, cô chọn làm gái mại dâm. Allie khởi nghiệp khá “ngây thơ” nhưng rồi cô nhanh chóng thích ứng với nghề, trở nên chuyên nghiệp. Cô biết tiếp cận với khách hàng như thế nào, bảo vệ an toàn ra sao, biết tiết chế kinh phí, kiểm soát chất lượng… Thậm chí là dẫn dắt một người bạn tham gia vào ngành. Rõ ràng cô đang vận hành thành công một dịch vụ “vợ tốt thuê theo giờ”. Tuy nhiên, Allie nhận ra bản chất “không bền” của ngành nên sau khi để dành đủ khoản tiền kha khá, cô quay sang theo đuổi ước mơ của mình: trở lại trường học- tất nhiên là học kinh tế. Với đầu óc và kinh nghiệm dày dặn như thế, chắc chắn cô sẽ khiến các giáo sư và trường học ngạc nhiên.


[center]Siêu kinh tế học hài hước 251010sieu_634235950165190000

Nếu bạn nghĩ mọi chuyện xem ra có vẻ dễ hiểu và sáng sủa cho đến lúc này thì hãy nghiên cứu chương tiếp theo: Thế tại sao những kẻ liều chết nên mua bảo hiểm nhân thọ? Nếu mỗi chương của Superfreakonomics đều có cá tính riêng: lời giới thiệu hấp dẫn, chương 1 mát mẻ, thì chương 2 này đầy tính thử thách (phụ lục: chương 3: bàng hoàng, chương 4: bất ngờ, chương cuối: đầy tranh cãi, lời bạt: không còn gì để bình luận. Trình tự sắp xếp những câu chuyện riêng lẻ trong cuốn sách này vô cùng tuyệt vời và đầy ý đồ). Chào mừng đến với mê cung của những nhà kinh tế học kỳ quặc, hãy cẩn thận, nếu không bạn sẽ rối tinh rối mù với lượng thông tin mà họ cung cấp: tháng xấu nhất để sinh con ở Đông nam Uganda là tháng 5; những cầu thủ bóng chày Anh trong đội tuyển thường được sinh ra từ tháng 1 đến tháng 3 (những ai là độc giả của Những kẻ xuất chúng đã quá quen với câu chuyện này); một tên khủng bố chưa kịp kích nổ quả bom thậm chí còn gây ra tổn thất to lớn hơn vì hành khách đi máy bay phải cởi giày; khi bác sỹ đi vắng thì bệnh nhân giảm hẳn… Vậy tất cả những điều này liên quan gì đến việc những “mầm non” khủng bố nên đi mua bảo hiểm nhân thọ và cuối cùng là làm cách nào tóm được chúng trước khi tai họa xảy ra? Chương này như một cuốn truyện trinh thám, tác giả liên tục đưa ra các manh mối chả ăn nhập gì nhau, sau đó kết luận, à, tên abc nào đó là hung thủ, lúc này bạn vẫn còn đang bơi mệt đừ trong mớ gợi ý. Lần lại theo dấu vết, bạn sẽ thấy một điểm nhỏ nhưng cốt tử: các con số thống kê!!! Nghệ thuật thống kê, xử lý số liệu và áp dụng nó sẽ mang đến hiệu quả không ngờ vì “các con số không biết nói dối”.


Mở đầu chương ba: Những câu chuyện khó tin về sự vô cảm và lòng vị tha: là câu chuyện sát nhân khủng khiếp rúng động New York vào tháng 3 năm 1964. (Nghe quen không?) Đúng, đó là câu chuyện về 38 công dân đáng kính bình thản đứng nhìn một người phụ nữ bị săn đuổi và đâm chết, một trường hợp kinh điển trong các sách phân tích tâm lý về thái độ bàng quan của con người. Malcolm đã từng đề cập đến câu chuyện thương tâm này trong phần 3 quy luật của đại dịch, nhưng đó là góc nhìn của một nhà xã hội học, còn Levitt và Dubner lại soi dưới lăng kính của nhà kinh tế học “hài hước” câu chuyện đã mang một màu sắc khác hẳn. Chuyện gì đã thực xảy ra gần 30 năm về trước? Không thể hiểu điều gì khiến những người đó lại hành xử lạnh lùng đến tàn nhẫn đến thế? Hai tác giả thậm chí còn chỉ ra rằng, chính bạn cũng không hiểu tại sao bản thân bạn sẽ hành động kỳ quặc trong một vài tình huống. Tại sao bạn sẵn lòng chia đôi số tiền cho một người không quen biết? Tại sao bạn sẵn lòng lấy toàn bộ tiền của người không biết? Bản ngã con người vốn vị tha, lương thiện hay ích kỷ và tham lam? Chúng ta hành động vì động cơ hay bị một nhân tố bí ẩn khác lèo lái? Bạn cũng sẽ sửng sốt như các nhà khoa học khi thu được kết quả từ các cuộc thí nghiệm về lòng vị tha của con người. Cuối cùng, tên sát nhân phải đền tội trước pháp luật vì bị tóm khi đang cố trộm TV. Thật kỳ lạ, nhưng dẫu sao, cuộc đời vẫn khá công bằng.


Có điểm gì chung trong giải pháp giảm tỷ lệ thai phụ tử vong vì sốt hậu sản cực cao trong một bệnh viện, giảm số lượng cá voi bị đánh bắt để lấy dầu, giảm hậu quả do tai nạn giao thông gây ra (và còn nhiều vấn đề khác nữa)? Câu trả lời rất đơn giản: đó là giải pháp “đơn giản”. Trong những cuộc khủng hoảng, khi thế giới gào thét, lùng sục một biện pháp “đao to búa lớn” để giải quyết vấn đề thì luôn có một cách thức rẻ tiền, dễ tiếp cận, hữu hiệu đến mức đáng ngờ nằm đâu đó. Để cứu hàng vạn sinh mạng, hãy rửa tay. Để hạn chế tác hại tai nạn giao thông, hãy cài dây an toàn. Để ngăn chặn các cơn cuồng phong, hãy làm một cái vòng làm bằng plastic đặt ở biển (?) Nathan Myhrvold, nguyên trưởng bộ phận kỹ thuật tại Microsoft, đã đề nghị một giải pháp vô cùng đơn giản, táo bạo trong việc“đùa với mẹ thiên nhiên”, việc kiểm soát bão: điều chỉnh nhiệt độ nước biển bằng một đường ống có vỏ bao ngoài làm từ chất liệu có thể tìm được ở bãi rác. “Thế là xong!” (Nó khiến tôi nhớ về hiệu ứng Bươm bướm: khi một con bướm vỗ cánh ở nơi này, nó sẽ gây ra trận cuồng phong ở nơi khác. Cách tốt nhất: đừng cho con bướm vỗ cánh ngay từ đầu. Thế là xong!) Quá bất ngờ! Nhưng điều bất ngờ hơn là con người có xu hướng nghi ngờ và thờ ơ với giải pháp “rẻ tiền”, sẵn có”! Tại sao? Vì những giải pháp đó buộc con người phải thay đổi hành vi, phải từ bỏ những thói quen thâm căn cố đế mà chúng ta vẫn duy trì thậm chí khi chúng không tốt. “Tôi vẫn thích hút thuốc mà không bị ung thư cơ!” “Tôi vẫn thích không đội mũ bảo hiểm mà vẫn bảo vệ được đầu cơ!” “Hãy tìm cách đi, đắt cũng được!” Thế là, nhân loại tiếp tục theo đuổi sự nghiệp “tìm kiếm” giải pháp “đắt đỏ, rắc rối”.


Nhân vật Nathan tiếp tục trở lại trong chương cuối của quyển sách với một giải pháp đơn giản “cực sốc” cho một vấn đề “cực nóng” của thế giới: hiện tượng trái đất ấm dần lên. Khi tìm thông tin về cuốn sách Superfreakonomics, tôi bảo đảm bạn sẽ bắt gặp rất nhiều bài viết cật lực phản đối những lý luận trong chương này. Một số nhà khoa học, nhà khí tượng bác bỏ thẳng thừng những điều tác giả nói. (Lại chống đối giải pháp rẻ tiền chăng?) Họ đã nói gì? “Phần lớn quá trình làm ấm chúng ta đã chứng kiến trong vài thập kỷ vừa qua thực chất có thể là kết quả của việc chăm sóc môi trường tích cực”. “Một trong những tai họa môi trường ít ai ngờ đến nhất là cây cối”, việc trồng cây lại khiến việc trái đất ấm lên thêm trầm trọng. Khi nhân loại đau đầu vì trái đất nóng dần lên, thì “nhiệt độ trung bình trên toàn cầu thực tế lại giảm”. Những nhận xét đảo lộn mọi thứ! Thiên thần biến thành ác quỷ. Điều tốt bấy lâu mà chúng ta làm hóa ra là điều xấu. Còn “chén thánh” – giải pháp tốt đẹp – mà chúng ta trông chờ lại là một kế hoạch “điên rồ, ngớ ngấn, kinh khủng”: “Thải hóa chất vào khí quyển để đảo ngược những thiệt hại do… thải hóa chất vào khí quyển” gây ra. Không chỉ là diễn đàn thảo luận, chương 5 biến thành một cuộc tranh cãi dữ dội thật sự!!! Levitt và Dubner, đúng tinh thần kinh tế học, không rút ra bất kỳ kết luận nào. Điều duy nhất họ làm là “nói lời đầu tiên”, gióng lên hồi chuông cho một cuộc đấu khẩu, cuộc bút chiến. Hai tác giả đã đề cập ngay ở phần đầu: “Nếu các bạn không tranh luận, chúng tôi sẽ rất thất vọng”. (Hẳn giờ đây họ đang vui sướng!) Khi nghiền ngẫm chương này, chúng ta sẽ có những suy nghĩ riêng, có thể nhiệt tình tán thành hoặc kịch liệt phản đối, có thể tin tưởng hoặc nghi ngờ, nhưng hầu hết sẽ ủng hộ quan điểm: “Vấn đề không phải là chúng ta không biết làm cách nào để ngừng làm ô nhiễm bầu khí quyển. Chúng ta không muốn ngừng hoặc không sẵn sàng trả giá”.


Phần lời kết: Tôi thích trích nguyên văn trong phần mục lục. “Eo ôi, bạn phải đọc mới tin được cơ!” Đúng thế, rất kỳ lạ và thú vị!!!


Cuốn sách khép lại, nhưng dư âm của nó vẫn còn đầy. Các nhà khoa học tiếp tục tranh cãi, trang blog riêng và email của hai tác giả tiếp tục tràn ngập thư từ ủng hộ cũng như phản đối. (chắc chắn: doanh số bán tiếp tục tăng). Tôi rất thích cuốn này không chỉ vì nội dung bất ngờ thú vị, một kẻ đi ngược chiều đường đang cố nói với số còn lại rằng chính anh ta mới đi đúng, mà còn ở giọng văn hài hước và cách cấu trúc sách tinh tế. (Đúng là sách của kinh tế gia). Họ lôi kéo bạn ngay từ đầu bằng những lời phân bua, hấp dẫn bạn bằng nàng Allie tròn trịa, khi bạn đã lạc lối vào mê cung “những điều tưởng chừng đã biết nhưng chẳng biết gì cả”, họ tương cho bạn một nhận định “trời ơi đất hỡi”, cuối cùng, họ đưa ra những chú khỉ nâu dễ thương “cướp ngân hàng” như để nói “vẫn chưa hết bất ngờ và kỳ quặc đâu anh bạn!”.

download tại
bản tiếng anh: www.7pop.net_SuperFreakonomics.pdf


ST từ Internet
Mizhu
Mizhu
Hội viên ưu tú
Hội viên ưu tú

Tổng số bài gửi : 198
Join date : 15/03/2011
Age : 32
Đến từ : TPHCM

https://www.facebook.com/mingzhu.trang

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết