Cuộc đời của Pi
Trang 1 trong tổng số 1 trang
Cuộc đời của Pi
Chiếc xuồng chật hẹp thế là thành nơi chung sống tạm bợ, sau đó thành bãi chiến trường cho cuộc chiến đấu sinh tồn theo lối “một chọi một”, mỗi cuộc đấu loại đi một đối thủ. Chiếc xuồng trở thành cõi trần thế chứng kiến cuộc đấu tranh chọn lọc tự nhiên, và tất yếu sẽ chứng kiến sự chiến thắng của trí tuệ con người, của bản năng sinh tồn mạnh mẽ nhất, khao khát sống mãnh liệt nhất, những toan tính cao cả và cũng thực dụng bậc nhất ở con người.
Cũng nên nhắc lại, đây là cuốn sách chỉ dành cho những độc giả giàu trí tưởng tượng và yêu phép mầu hư cấu. Cuốn sách dường như là một tập hợp của những yếu tố hư cấu tuyệt vời.
Biết rõ là “bịa” khi tác giả không để xảy ra cùng một lúc cuộc hỗn chiến giữa toàn bộ động vật trên xuồng, mà là từng cuộc đấu tay đôi theo lối dàn cảnh tuần tự. Biết rõ là “bịa” tâm trạng của những con vật trong cuộc đấu loại, một mất một còn. Lại còn “bịa” ra cả một hòn đảo “ăn thịt”, đêm xuống có loài tảo săn mồi tiêu hóa hết mọi sinh vật trên bề mặt đảo.
Cả cuộc nói chuyện người không hiểu người ở chương cuối, khi hai người Nhật thuộc cơ quan quản lý con tàu đắm tìm đến anh chàng Pi sống sót, câu chuyện lạ lùng ấy có vẻ cũng “bịa” nốt. Nhưng cái bịa rất thật này mới chứng tỏ tài năng độc đáo của tác giả, chính yếu tố hư cấu này tạo nên sức hấp dẫn của cuốn tiểu thuyết. Đến mức nhà văn Alberto Manguel phải thốt lên: “Những ai tin rằng nghệ thuật hư cấu đang hấp hối thì hãy để họ đọc Yann Martel”.
Yann Martel giỏi tạo dựng chi tiết, chẳng hạn khi giải thích cái tên Pi (3,14) của nhân vật chính. Lại cũng giỏi tạo hình ảnh khi ngộ nghĩnh nói rằng “nếu ta dốc ngược thành phố Tokyo và lắc nó như đổ rác”, ta sẽ thấy rơi ra một số con thú quí hiếm tưởng như không bao giờ có nơi phố phường. Rồi những suy tư đầy khơi gợi về tôn giáo, về cuộc đời, về sinh tồn, về đại dương. Một kho tàng của Chúa Trời và cõi thế, đầy ắp những điều làm độc giả mê đắm.
Dịch giả Trịnh Lữ hẳn là người nắm vững kiến thức cần thiết để dịch Cuộc đời của Pi. Người đọc ngỡ ngàng khi cảm thấy dịch giả có lẽ “ngoại đạo” với văn hóa Ấn Độ, sao có thể chuyển ngữ được những khái niệm tương đối khó trong cái đại dương văn hóa ấy? Không phải là không có lúc dịch giả nhầm lẫn, như khi dịch Sita là “nàng hầu” của Rama (thực tế Sita là vợ Rama), hoặc chuyển ngữ người phụ nữ Ấn mặc “áo dài”, trong khi cô ta phải mặc sari thì mới bị kéo và quay tròn như một con quay.
Đôi chỗ không tra cứu ra, dịch giả rất sòng phẳng nói rõ, chẳng hạn trong một chú thích ông phỏng đoán gulab jamun là một trò chơi nào đó của Ấn Độ (thực tế đó là món bánh trôi nước làm bằng sữa tươi cô đặc, một điều mà ngay cả những nhà nghiên cứu Ấn Độ không phải ai cũng biết). Thái độ sòng phẳng và chú thích nghiêm túc này tạo cơ hội cho người đọc tra cứu và sẽ giúp dịch giả sửa chữa trong những lần tái bản.
Trong bản dịch đôi lúc vẫn gặp những câu văn chưa được Việt hóa ở mức cần thiết, ví dụ: “Ông ta là người thổi kèn rắn vừa chết mất con hổ mang của mình” (có lẽ xoay chuyển thế này thì êm hơn: “Ông ta là người thổi kèn rắn có con hổ mang vừa chết”). Nhưng nhìn chung toàn bộ bản dịch nhuần nhuyễn, dễ tiếp nhận, ngôn ngữ tiếng Việt gây được nhiều thiện cảm ở người đọc. Một bản dịch khá công phu, dày dặn về kiến thức và dễ nhận thấy sự đồng cảm của dịch giả.
Nếu bạn yêu văn học thì không nên bỏ sót Cuộc đời của Pi.
Theo Tuoitre.vn
Trang 1 trong tổng số 1 trang
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết
|
|