Sách "Con Đường Steve Jobs"
Trang 1 trong tổng số 1 trang
Sách "Con Đường Steve Jobs"
* Kỳ 1: Suýt trở thành nhà sư
Steve Jobs, đồng sáng lập kiêm cựu giám đốc điều hành Apple, đã qua đời ở tuổi 56 vào ngày 5.10.2011. Không chỉ vì những sản phẩm phi thường mà ông đã giúp sáng tạo nên, phong cách lãnh đạo cách tân (iLeadership) của Steve Jobs ở Apple, Pixar đã trở thành những câu chuyện tiêu biểu của sự thành công mang tinh thần doanh nhân mạo hiểm.
Steve Jobs (trái) và Steve Wozniak, đồng sáng lập Apple.
Được sự đồng ý của Nhà xuất bản Trẻ, Thanh Niên xin trích đăng một số đoạn tiêu biểu trong cuốn sách sắp ra mắt Con đường Steve Jobs (tác giả: Jay Elliot - Bill Simon, người dịch: Lại Hoàng Hà - Trần Thị Kim Cúc), với những thông tin ít người biết về thiên tài công nghệ này.
Bạn không thể trở thành một chuyên viên công nghệ hàng đầu nếu không trải qua những năm tháng học hành chăm chỉ trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, quy luật bất di bất dịch ấy của cuộc sống lại không đúng với Steve Jobs. Tôi đã chứng kiến một hiện tượng hầu như không thể tin được. Có một chàng trai trẻ bỏ học đại học sau chừng hơn một học kỳ một chút, tự tìm đến Ấn Độ không phải để du lịch mà như một thầy tu đi khất thực thì đúng hơn, rồi giác ngộ đạo Phật và quyết định theo Phật giáo suốt đời. (Một lần tôi cùng Steve đi trên một chuyến xe lửa ở Nhật Bản, anh đã chỉ cho tôi một ngôi chùa mà chúng tôi vừa đi ngang qua, và cho biết sau chuyến đi đến Ấn Độ, anh đã quyết định sẽ đến sống ở ngôi chùa này và trở thành một nhà sư. Và hẳn anh sẽ làm thế nếu không có một dự án nhỏ hợp tác với cậu bạn hàng xóm Steve Wozniak. Đời người đôi khi lại theo những hành trình mà mình không hề ngờ tới một cách đáng kinh ngạc).
Giờ đây, thay vì là một tiểu tăng, Steve Jobs đã trở thành một phù thủy công nghệ sắc sảo đến không ngờ.
Theo đuổi điều huyền bí
Anh nhanh chóng trở thành bậc thầy về mọi khía cạnh của máy tính Macintosh, từ thiết kế, cấu trúc hệ thống tới chức năng. Anh am hiểu công nghệ sâu sắc đến mức có thể thảo luận với từng kỹ sư về những chi tiết trong công việc mà anh kỹ sư đó đang làm - cốt để biết tiến độ đến đâu, tại sao người kỹ sư đó quyết định thế này mà không phải thế kia, định đoạt chọn lựa nào đó chưa phải là lựa chọn tốt nhất và yêu cầu thay đổi. Thậm chí với những vấn đề cơ bản như Macintosh sẽ sử dụng loại chip nào: Steve ra lệnh cho nhóm thực hiện dự án phải tạo ra một mẫu máy tính hoàn toàn mới chạy bằng một con chip khác, Motorola 68000, loại chip có dung lượng bộ nhớ lớn hơn. Họ càu nhàu nhưng phục tùng; quyết định đó đã được chứng minh là đúng.
Một lần, khi được phỏng vấn về khoảng thời gian làm việc tại Apple, một kỹ sư chế tạo Mac là Trip Hawkins đã miêu tả Steve là người "có sức mạnh tầm nhìn gần như đáng sợ. Một khi đã tin vào điều gì thì sức mạnh của tầm nhìn ấy đúng là có thể quét sạch bất kỳ chướng ngại, khó khăn hay bất cứ thứ gì. Chúng không thể tồn tại được".
Điều gì thôi thúc Steve Jobs? Với vai trò có thể nói là cánh tay trái của anh (Steve thuận tay trái), tôi đã tìm được câu trả lời thể hiện trong những nhận xét mà anh đưa ra trong những buổi trò chuyện về bản thân và cách anh nhìn nhận vai trò và mục tiêu của mình. Những sản phẩm tuyệt vời chỉ có được từ những con người giàu đam mê.
Tầm nhìn mà Trip Hawkins nói đến xuất phát từ tiêu điểm của Steve, nhưng hơn cả, chúng xuất phát từ niềm đam mê của anh. Tôi thích Steve phát biểu về điều này, đặt ra một chuẩn mực cho bản thân anh và mọi người xung quanh phải làm tốt hết sức có thể từng công việc của mình "bởi con người chỉ làm được một số việc nhất định trong đời". Giống như bất kỳ người nghệ sĩ giàu đam mê nào, anh luôn luôn bị thôi thúc bởi niềm đam mê dành cho những sáng tạo, dành cho những sản phẩm của mình. Vì thế máy Mac cũng như mọi sản phẩm khác không đơn thuần là "sản phẩm". Chúng là hiện thân cho quyết tâm mãnh liệt của Steve. Những người nhìn xa trông rộng có thể tạo nên những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại hoặc những kiệt tác bởi họ không chỉ làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Những gì Steve làm là hiện thân của chính anh; vừa trực giác vừa đầy cảm hứng. Steve không biết rằng anh đang làm điều mà Einstein từng khuyên bảo: "Theo đuổi điều huyền bí".
------
* Kỳ 2: Một nút bấm
Steve Jobs giới thiệu chiếc điện thoại "một nút bấm"
Khi Steve Jobs để những kỹ sư giỏi nhất của anh thực hiện dự án phát triển iPhone tối mật, anh đã phải tiến hành một cuộc chiến. Cố gắng tạo ra điện thoại di động là nỗ lực phi thường đối với một công ty không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Một trong những lý do lớn nhất khiến Steve đón nhận thách thức không chắc thành công ấy là vì theo đánh giá của anh mọi điện thoại di động anh đã từng nhìn thấy đều quá sức phức tạp khó sử dụng: một thách thức hoàn hảo với một người quá chuyên chú vào chi tiết, vào chất lượng cùng tính đơn giản của sách hướng dẫn.
Vì vậy ngay từ đầu Steve đã quyết định chiếc điện thoại di động đang được phát triển tại Apple sẽ chỉ có duy nhất một nút bấm.
Trong các buổi họp xem xét công việc được tổ chức một hoặc hai lần mỗi tuần, các kỹ sư của Steve cứ nói đi nói lại mãi rằng không thể nào điện thoại di động chỉ có một nút bấm. Bạn sẽ không thể tắt và mở máy, điều chỉnh âm lượng, chuyển chức năng, lên mạng và sử dụng những tính năng khác mà chiếc điện thoại có, nếu bạn chỉ có duy nhất một nút.
Steve làm ngơ trước những lời phàn nàn của họ. Anh cứ đòi hỏi: "Chiếc điện thoại sẽ chỉ có duy nhất một nút bấm. Hãy tìm cách đi".
Dù trải qua bao năm làm người giải quyết vấn đề thần kỳ và người sáng tạo ý tưởng tài tình cho tất cả những sản phẩm được phát triển dưới sự chỉ huy của mình, Steve vẫn không biết chiếc điện thoại phải được thiết kế thế nào để nó chỉ cần một nút bấm. Nhưng là người tiêu dùng cuối cùng, anh biết đó chính là điều anh cần. Steve cứ bảo các kỹ sư của anh quay về kèm yêu cầu họ phải nghĩ ra giải pháp hợp lý.
Bạn đã biết kết cuộc: chiếc iPhone đầu tiên có một nút điều khiển duy nhất.
Sản phẩm sát thủ
Steve bị mê hoặc bởi khả năng kỳ diệu của bàn tay con người, hoàn toàn bị hấp dẫn bởi bàn tay và cách nó phối hợp với cánh tay.
Thỉnh thoảng trong cuộc họp tôi để ý thấy anh đưa một bàn tay lên trước mặt rồi chậm rãi xoay qua xoay lại, trông hoàn toàn mê mải với cách cấu tạo và khả năng bàn tay làm được những gì. Trong khoảng 10 hoặc 15 giây, dường như anh chìm đắm trong động tác này. Bạn phải thấy Steve làm vậy một hai lần mới hiểu được ý nghĩa của chúng: những ngón tay có thể đưa ra chỉ dẫn cho máy tính tốt hơn "mổ" lên bàn phím rất nhiều.
Sau những hiểu biết có được từ những chuyến thăm PARC, Steve thường nói bàn tay con người là một công cụ kỳ diệu, và anh hay bảo: "Bàn tay là bộ phận được sử dụng nhiều nhất trong cơ thể để thực hiện những gì bộ não chúng ta muốn". Và, "Nếu có thể mô phỏng được bàn tay thì đó sẽ là một sản phẩm sát thủ". Sau mới thấy, đây là một nhận xét phi thường về một chi tiết dẫn đến cả dàn sản phẩm Apple hiện nay, từ máy tính Mac, đến iPod, đến iPhone và đến iPad.
Steve đã yêu cầu nhóm dự án Mac thử nhiều loại thiết bị đầu vào khác nhau để điều khiển con trỏ trên máy tính, một cái thì giống cây bút, và cái khác tôi thấy ít nhiều giống chuột cảm ứng (touchpad) của laptop ngày nay. Phải mất khá lâu Steve mới bị thuyết phục rằng không có công cụ nào hiệu quả bằng chuột máy tính. Mọi thứ từ những thanh lệnh thả dọc cho tới lệnh chỉnh sửa như cắt-và-dán đều có thể thực hiện được nhờ khả năng di chuyển con trỏ.
------------
*Kì 3: Học từ những sai lầm
Khi nhóm dự án Mac đã gần tạo ra được một chiếc máy tính có phần cứng làm việc hiệu quả và phần mềm thực hiện được tất cả chức năng cần thiết mà không xuất hiện lỗi, một hôm Steve đến xem bản chạy thử, và anh không vui.
Steve hỏi: "Tiếng ồn gì vậy?".
Không ai hiểu anh đang nói cái gì. Làm gì có tiếng ồn nào ngoài tiếng cánh quạt rì rầm nho nhỏ trong máy.
Steve không muốn có một tiếng động nào cả. Mọi máy tính cá nhân khác có tiếng quạt tản nhiệt rất ồn. Macintosh phải là chiếc máy tính chạy hoàn toàn yên lặng.
Các kỹ sư cố giải thích với anh: Mac không thể chạy mà không có quạt tản nhiệt. Nó sẽ bị nóng và cháy rụi.
Steve khăng khăng: không quạt!
Các kỹ sư bắt đầu xuất hiện ở phòng làm việc của tôi bảo tôi phải trao đổi với Steve đi, tôi phải thay đổi quyết định của anh ấy. Tất cả kỹ sư trong nhóm cả quyết rằng Mac phải có quạt tản nhiệt. Cả tổ chức bất đồng ý kiến với Steve nhưng anh không thay đổi.
Các kỹ sư trở về phòng nghiên cứu của họ và bắt đầu thiết kế lại Mac để nó chạy mà không có quạt tản nhiệt. Ngày tung sản phẩm ra thị trường theo kế hoạch đến rồi qua đi. Cuối cùng Macintosh được giới thiệu với thế giới trễ năm tháng.
Steve đúng về nguyên tắc. Một chiếc máy tính hoàn toàn yên lặng dùng thì thích thật, nhưng cái giá phải trả quá lớn. Một lần nữa Steve có bài học quý giá: Các chi tiết là rất quan trọng, đáng chờ đợi để làm cho hoàn thiện, nhưng có những lúc phải cân nhắc lợi ích giữa làm cho hoàn thiện với cái giá phải trả cho việc chậm có mặt trên thị trường. Steve sẽ tiếp tục trì hoãn sản phẩm để làm cho nó hoàn thiện, nhưng anh công khai thừa nhận sẽ không bao giờ để mình vào hoàn cảnh cho phép một sự trì hoãn lâu đến như vậy nữa.
Theo một số nhà phê bình Macintosh và ngay cả trong số những người ủng hộ công ty, những chiếc Mac đầu tiên với vấn đề quá nóng không tránh khỏi của chúng đã bị ví là "những chiếc lò nướng bánh màu be".
Nhưng tất cả những sản phẩm chủ chốt ra đời sau đó, từ iPod trở đi, rút kinh nghiệm mà Steve học được từ việc tạo ra những chiếc Mac đầu tiên - những bài học về quy trình đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, định giá, và những việc khác nữa, đều dựa trên trải nghiệm từ những ngày tập tành chế tạo sản phẩm ấy.
Đó không phải là sai lầm duy nhất của Steve trong dự án Mac. Anh đã quyết định rằng ngoài việc tạo ra phần cứng và phần mềm, anh còn muốn ráp máy tính. Việc xây dựng nhà máy sẽ tốn khoảng 20 triệu USD; hội đồng quản trị của Apple miễn cưỡng, vì không ai thật sự tin rằng Macintosh có ngày ra mắt thiên hạ - nhưng quyết định chấp thuận đã được đưa ra dễ dàng hơn đôi chút vì công ty đã có 200 triệu USD trong ngân hàng nhờ vào doanh số xuất sắc của Apple II.
Steve tìm được một nhà máy ở gần Fremont, khoảng hơn nửa tiếng đi xe từ Cupertino, và dự tính thiết kế lại thành nhà máy tự động hoàn toàn để lắp ráp Macintosh. (Dù nhiều sử sách về ngành công nghệ này luôn gọi đó là nhà máy sản xuất, nhưng thật sự nó là nhà máy lắp ráp - linh kiện được sản xuất ở Nhật hoặc nơi nào khác, và chuyển đến Fremont).
Steve đích thân làm việc với các kỹ sư thiết kế đủ loại máy móc tự động, như thường lệ anh trở nên dấn sâu vào những quyết định chi tiết về các chức năng mà từng cỗ máy này thực hiện và chúng được điều khiển thế nào. Steve như một đứa trẻ chờ tới Giáng sinh khi một chiếc máy mới được giao đến và được lắp đặt. Anh lập tức đến Fremont và xem nó vận hành. Niềm đam mê dữ dội của Steve đối với người máy dường như bắt nguồn từ niềm đam mê anh đã phát hiện được ở bàn tay con người. Trong những tuần cuối cùng trước khi nhà xưởng đi vào hoạt động, Steve và tôi lái xe đến đó ba lần mỗi tuần.
Nhưng phần này của câu chuyện đã không kết thúc có hậu. Nếu Steve dừng lại sớm hơn và vận dụng khả năng phân tích sắc sảo của anh, chắc chắn anh đã nhận ra rằng doanh số Macintosh phải cực kỳ lớn thì nhà máy lắp ráp này mới có hiệu quả kinh tế. Tôi nghĩ mỗi chiếc Macintosh xuất xưởng tại đây phải tốn khoảng 20.000 USD. Mac được bán với giá 2.000 USD một chiếc, thử làm một phép tính mà xem. Đó là một quyết định vô cùng tốn kém và góp phần hình thành một vấn đề nghiêm trọng khi Macintosh lúc mới ra đời bán không chạy.
------------
* Kì 4: Câu chuyện đồ chơi
Sau vài tiếp xúc từ các nhà lãnh đạo Disney, nhóm làm phim Pixar đã đến dự cuộc họp tại trụ sở Disney ở Burbank với dự án sản xuất một bộ phim hoạt hình truyền hình dài một giờ do Disney bỏ vốn.
Disney đã làm mọi người bất ngờ bằng cách bác bỏ ý tưởng làm phim hoạt hình truyền hình và đưa ra đề nghị đối ứng là một hợp đồng cho Pixar sản xuất phim hoạt hình điện ảnh.
Hàng loạt cuộc họp tại Disney đã dẫn tới điều mà Ad Catmull và Alvy Ray Smith ao ước lâu nay: Pixar sẽ sản xuất, Disney phát hành bộ phim truyện hoạt hình vi tính đầu tiên trên thế giới. Nhóm làm phim Pixar đã không ngờ họ sẽ được đề nghị làm phim điện ảnh, dù đó chính là mục tiêu nhiều năm qua của họ.
Toy Story, bộ phim đã làm nên tên tuổi Pixar
Ý tưởng đầu tiên Lasseter trình bày cho Jeffrey Katzenberg của Disney có tựa đề Toy Story (Câu chuyện đồ chơi). Không có nhiều nhân vật cũng như cốt truyện ban đầu được lên phim, nhưng tựa đề, tất nhiên, đã lên màn ảnh rộng. Katzenberg - Giám đốc Walt Disney Studios dưới quyền Michael Eisner, CEO của tổng công ty - có thể là người rất khó làm việc: Ông ta là bạo chúa, thậm chí gần như khoe khoang về điều đó. Nhưng ông là người hướng dẫn và tư vấn sáng tạo cho Lasseter và nhóm của ông này. Ông không bao giờ bảo "Làm cái này" hoặc "Làm cái kia", mà chỉ nói "Cái này không hiệu quả". Xem những cảnh trong phim, nếu cảm thấy câu chuyện bắt đầu lê thê, ông ấy sẽ bảo Lasseter: "Đoạn này là để ăn bắp rang".
Trong nhiều tháng trời làm phim - bao gồm cả khoảng vài tháng khi Disney ra lệnh tạm ngưng cho đến khi Lasseter và nhóm của ông ấy tìm ra giải pháp tin cậy đối với một số vấn đề về sáng tạo, chẳng hạn như nhân vật Woody quá tiêu cực và không đáng yêu - chi phí cứ tăng lên. Cuối cùng chi phí đã lên đến 6 triệu USD. Disney khăng khăng đòi Steve Jobs bảo hiểm việc hoàn thành bộ phim bằng cách phải đưa ra 3 triệu USD, sử dụng tài sản cá nhân của anh làm vốn đối ứng.
Bìa sách Con đường Steve Jobs
Steve bắt đầu cảm thấy hối hận về hợp đồng với Disney; thậm chí anh còn bắt đầu nghĩ rằng giá anh chưa bao giờ thu tóm Pixar thì khỏe rồi.
Bởi vì chi phí đội lên quá nhiều, việc cấp vốn cho Toy Story bắt đầu trở thành một thảm họa. Trừ phi bộ phim làm ra được nhiều tiền hơn hẳn bất cứ bộ phim hoạt hình nào gần đây của Disney, nếu không Steve sẽ không bao giờ thu hồi được vốn đầu tư của anh. Thật sự nó phải trở thành một thành công phòng vé bất ngờ, mang về ít nhất 100 triệu USD, thì Steve mới mong có thu nhập.
Tệ hơn nữa, giờ Steve mới nhận ra vì sao Disney lại hăm hở giữ lấy tất cả thu nhập từ những sản phẩm ăn theo phim - đồ chơi, trò chơi, búp bê, áo thun, thức ăn nhanh và nhiều thứ khác. Thậm chí nếu bản thân bộ phim không kiếm được nhiều tiền, Disney cũng có thể nhìn dòng tiền lớn đổ về từ những nguồn phụ ấy. Steve trở nên hiểu rõ cách làm của Hollywood nhưng bài học này có vẻ quá đắt.
Và sau đó, hết sức bất ngờ, tình hình đảo chiều ngoạn mục. Nhóm tay mơ của Steve trong những cuộc liên kết làm phim lớn này đã chứng minh họ thật sự thuộc về những liên minh lớn đó. Michael Eisner đã quyết định hoãn ra mắt Toy Story. Thay vào lịch phát hành đã định, đây sẽ là bộ phim bom tấn của Disney vào dịp lễ Giáng sinh. Kết cuộc, Eisner gọi bộ phim này "vừa hoành tráng vừa đáng yêu".
Mất khoảng 5 năm từ lúc ký hợp đồng cho đến khi Toy Story công chiếu lần đầu, nhưng đối với những người liên quan, nó bõ công lao và chờ đợi. Nhiều người hoài nghi rằng liệu một công ty được dẫn dắt bởi Steve Jobs, một nhà công nghệ, có thể tạo ra một tác phẩm nghệ thuật đáng ca ngợi không. Nhưng những nghi ngờ ấy dựa trên một sự hiểu lầm. Ngay từ đầu hợp đồng Pixar nói rõ rằng Steve sẽ chịu trách nhiệm giao dịch kinh doanh, và nhóm làm phim sẽ có quyền hạn tuyệt đối và duy nhất đối với các quyết định sáng tạo.
Sau khi trình chiếu vào tuần Lễ tạ ơn, năm 1995, bộ phim nhận được khen ngợi nhiệt liệt từ giới phê bình, phụ huynh, trẻ em - mọi thành phần khán giả, mọi nơi trên thế giới. Bộ phim, mà cuối cùng tốn khoảng 30 triệu USD, đã thu về 190 triệu USD tại Mỹ và tổng cộng 300 triệu USD trên toàn cầu. Nó đã đưa nhà sản xuất, Pixar, trở thành ngôi sao trên bầu trời Hollywood.
Lúc tôi viết quyển sách này, năm 2010, Pixar là hãng duy nhất trong số những hãng phim của Hollywood chưa bao giờ thua lỗ trong bất kỳ dự án phim nào.
Và tất cả những điều đó là nhờ Steve Jobs.
Nguồn www.thanhnien.com.vn
Love_Sky089- Hội viên ưu tú
- Tổng số bài gửi : 148
Join date : 01/03/2011
Similar topics
» Sức mạnh của sự khác biệt - Steve Jobs
» Sách và vợ
» Giới thiệu sách "Cư xử như Đàn bà, suy nghĩ như Đàn ông"
» Sách kinh tế
» Giới thiệu tập sách ảnh "Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ"
» Sách và vợ
» Giới thiệu sách "Cư xử như Đàn bà, suy nghĩ như Đàn ông"
» Sách kinh tế
» Giới thiệu tập sách ảnh "Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ"
Trang 1 trong tổng số 1 trang
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết
|
|