CLB Tuổi Trẻ Về Nguồn
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Các tuyến du lịch, danh lam thắng cảnh tiêu biểu ở Quảng Ngãi

3 posters

Go down

like Các tuyến du lịch, danh lam thắng cảnh tiêu biểu ở Quảng Ngãi

Bài gửi by beyeu_206108 Sat Sep 03, 2011 4:16 pm

[justify]I. MỘT SỐ TUYẾN DU LỊCH TIÊU BIỂU



1. Tuyến TP Quảng Ngãi – Dung Quất- Vạn Tường (1 ngày)

- Các điểm tham quan, các sản phẩm du lịch của tuyến gồm :

+ Khu kinh tế Dung Quất.

+ Nhà máy lọc dầu số 1.

+ Di tích lịch sử chiến thắng Vạn Tường.

+ Địa đạo Đám Toái.

+ Di tích lịch sử Bình Hoà

+ Thành phố trẻ Vạn Tường.



2. Tuyến TP Quảng Ngãi- Mỹ Khê (1 ngày)

- Các điểm tham quan chính:

+ Khu chứng tích Sơn Mỹ

+ Khu du lịch Mỹ Khê, Cổ luỹ Cô thôn

+ Núi và chùa Thiên Ấn.

+ Mộ chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng



3. Tuyến Tp Quảng Ngãi- Mộ Đức- Ba Tơ (1 ngày)

- Các điểm tham quan chính:

+ Nhà lưu niệm Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng

+ Mộ Trần Cẩm. di tích rừng Nà (Đức Thạnh), biển Minh Tân.

+ Bảo tàng du kích Ba Tơ

+ Căn cứ du lịch Ba Tơ

+ Hồ Tôn Dung.

+ Suối nước nóng Thạch Trụ.

+ Đèo Violắc



4. Tuyến du lịch TP Quảng Ngãi - Đức Phổ- Sa Huỳnh (1 ngày)
- Các điểm tham quan chính

+ Nhà lưu niệm Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng

+ Di tích khảo cổ Sa Huỳnh

+ Khu du lịch Sa Huỳnh.

+ Quẩn thể di tích AH-LS-BS Đặng Thuỳ Trâm



5. Tuyến TP Quảng Ngãi - đảo Lý Sơn (2 ngày 1 đêm)

- Các điểm tham quan, sản phẩm du lịch

+ Đình làng Lý Hải.

+ Chùa Hang

+ Lăng thờ cá Ông

+ Chùa Tư Quang.

+ Đảo Mù Cu



II. MỘT SỐ ĐIỂM DU LỊCH



1. Di tích lịch sử - văn hóa.

1. Thành cổ Châu Sa:



Tục gọi là thành Hời, nằm ở xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh, đông giáp Đồng Dinh, tây giáp núi Bàn Cờ, nam giáp sông Trà Khúc, bắc giáp núi Đầu Voi.



Thành Châu Sa đắp bằng đất, gồm thành nội và thành ngoại. Thành nội có bình đồ hình chữ nhật, chiều nang 558m, chiều dài 586m, chân rộng 25m, cao 4,6m, bề mặt thành rộng 5,2m Thành ngoại có hai bờ chạy giáp sông Trà Khúc, dài trung bình 600m, có hình dạng càng cua, hào rộng 12m, trước có nước, chạy dọc bên ngoài thành, có thế phòng thủ kiên cố chống địch từ bên ngoài.



Thành Châu Sa được xây dựng vào khoảng thế kỷ IX, X nhằm bảo vệ mặt nam của kinh đô Trà Kiệu. Thành nằm gần sông, gần biển nên dễ giao lưu với bên ngoài.

2. Khu Chứng tích Sơn Mỹ

Vụ thảm sát Sơn Mỹ xảy ra vào rạng sáng ngày 16/3/1968 do một đơn vị đặc nhiệm quân đội Mỹ tiến hành. Chúng càn quét, đốt phá nhà cửa, ruộng vườn và tàn sát 504 người dân vô tội, trong đó hầu hết là người già, phụ nữ và trẻ em.



Vụ thảm sát này là bằng chứng tố cáo tội ác giết người hàng loạt man rợ nhất của đế quốc Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Cụm di tích vụ thảm sát ở Sơn Mỹ có 8 điểm thuộc hai thôn Tư Cung và Cổ Lũy thuộc xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, cách TP.Quảng Ngãi 12 km về hướng Đông, di tích vụ thảm sát Sơn Mỹ đã được Bộ Văn hoá – Thông tin xếp hạng là di tích đặc biệt quan trọng.

3. Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thuộc xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, cách TP.Quảng Ngãi 25 km về phía nam. Đây là nơi sinh ra và lớn lên của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.



Khu lưu niệm này còn lưu giữ nhiều kỷ vật của gia đình Thủ tướng Phạm Văn Đồng như án thờ, tràng kỷ, án thư, phản… và những vật dụng lưu niệm khác; đồng thời tại đây cũng trưng bày một số hình ảnh thể hiện tình cảm của Ông với quê hương Mộ Đức - Quảng Ngãi, cũng như tình cảm của nhân dân Quảng Ngãi đối với Ông.



Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã được đầu tư tôn tạo với tổng mức đầu tư là 20 tỷ, diện tích 20.036 m².

4. Quần thể di tích theo dòng nhật ký Đặng Thùy Trâm

Liệt sĩ – Bác sĩ Đặng Thùy Trâm sinh ngày 26/11/1942, trong một gia đình trí thức. Tốt nghiệp trường đại học Y khoa Hà Nội năm 1966, Thùy Trâm xung phong vào công tác ở chiến trường miền Nam. Sau 3 tháng hành quân, tháng 3/1967 chị vào đến Quảng Ngãi và được phân công về phụ trách bệnh viện huyện Đức Phổ, một bệnh viện dân y chủ yếu điều trị cho các thương bệnh binh. Ngày 22/6/1970 trong 1 chuyến đi công tác từ vùng núi về đồng bằng, chị đã bị địch phục kích và hy sinh lúc chưa đầy 28 tuổi.



Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, Bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã không hề sợ khó khăn gian khổ, bất chấp tất cả mọi nguy hiểm để cứu đồng đội và nhân dân. Mặc dù hàng ngày vẫn đương đầu với mọi thiếu thốn, khó khăn gian khổ thậm chí với cái chết đến bất cứ lúc nào, chị vẫn dành thời gian để ghi lại tình cảm và cuộc chiến đấu chính nghĩa đầy hy sinh trên mảnh đất Quảng Ngãi yêu thương, khiến cho những người lính bên kia chiến tuyến cũng thât sự bị chinh phục. Ngày 20/2/2006 Liệt sĩ – Bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Quần thể di tích theo dòng nhật ký Đặng Thùy Trâm cách TP.Quảng Ngãi 45 km về hướng nam thuộc xã Phổ Hòa, Phổ Cường, huyện Đức Phổ và xã Ba Trang, huyện Ba Tơ.



5.Thiên Ấn Niêm Hà:



Nằm ở tả ngạn sông Trà Khúc, về phía bắc tỉnh lỵ Quảng Ngãi, núi Thiên Ấn chỉ cao hơn 100m, giống một cái triện (ấn), nhín phía nào cũng thấy núi có hình thang cân. Núi chỉ cách đầu cầu Trà Khúc chừng 2km về hướng đông, nay thuộc thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh. Đỉnh núi bằng phẳng, có một khoảng cây cổ thụ bao bọc ngôi chùa cổ, tương truyền được xây dựng từ thời vua Lê và qua nhiều lần trùng tu, còn lại di tích cửa tam quan rêu phong cổ kính. Trong khuôn viên vườn chùa có 7 "viên mộ" của các vị sư tổ trụ trì chùa, có giếng nước sâu gọi là giếng Phật, có quả chuông cổ gọi là Chuông thần. Ngoài khuôn viên nhà chùa, trên khoảng đất thoáng đãng phía tây có phần mộ của chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, người đã gắn bó máu thịt với đất Quảng Ngãi thuở bình sinh.



Đường lên Thiên Ấn hình xoắn ốc, quanh sườn núi có tranh mọc đầy, "Bao giờ núi Ấn hết tranh, sông Trà hết nước anh đành xa em". Đứng bên hữu ngạn sông Trà nhìn qua, ta có cảm giác như ngọn núi nằm ngay trên mặt sông Trà, nên được người xưa gọi là Thiên Ấn niêm hà (ấn trời đóng trên sông) với niềm tin thiêng liêng vào một vùng đất địa linh sinh nhân kiệt. Xưa Thiên Ấn được xem là đệ nhất thắng cảnh của Quảng Ngãi, chùa Thiên Ấn được xem là một trong những ngôi chùa nổi tiếng cả miền Trung. Năm Minh Mạng thứ 11 (1830), núi được liệt hạng danh sơn và ghi vào tự điển, có sắc phong "Thiên Ấn tự".



Từ trên đỉnh núi Thiên Ấn, tầm mắt có thể thu về một khoảng không gian bao la: xung quanh là những làng mạc, ruộng đồng ngát xanh, dòng Trà Khúc lượn lờ duyên dáng, tây là dãy Trường Sơn hùng vĩ, đông là mặt biển bao la...



Đầu năm 1990, Bộ Văn hóa đã xếp hạng Thiên Ấn là một thắng cảnh của đất nước, bao gồm phần mộ chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, Núi và ngôi chùa cổ.

6. Làng cổ Thiên Xuân

Dấu tích ngôi làng cổ hiện nằm ở chân núi Nứa thuộc thôn Thiên Xuân, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, cách TP.Quảng Ngãi 45 km về hướng tây. Ngôi làng từng là nơi sinh sống của hơn 40 hộ dân với đầy đủ các thiết chế của ngôi làng cách nay mấy trăm năm về trước đó là cổng làng, cây đa, giếng nước… và dưới lòng những dòng suối được xếp đá khá độc đáo để dẫn nước về làng. Chu vi của làng gần 2 cây số vuông, toàn bộ ngôi làng được vây bọc bởi một hệ thồng thành bằng đá rất vững chắc, mặt thành rộng 1m cao 2,5m và được gắn kết - móc xích giữa các tảng đá với nhau tạo thành một khối vững chắc mà không cần 1 loại tạp chất nào.



Làng cổ Thiên Xuân nằm sát tỉnh lộ 628 nối với QL24 lên tỉnh Kon Tum, gần di tích Khánh Giang - Trường Lệ và cách Quần thể di tích Đặng Thùy Trâm khoảng 10 km. Đây sẽ là 1 điểm dừng chân lý thú cho du khách khi tham quan tuyến du lịch Theo dòng nhật ký Đặng Thùy Trâm .



7. Di tích chiến thắng Vạn Tường

Di tích chiến thắng Vạn Tường có 8 điểm nằm trên địa bàn 2 xã Bình Hòa và Bình Hải, huyện Bình Sơn, Cách TP.Quảng Ngãi 25 km về hướng Đông Bắc.



Ngày 18/8/1965 bộ đội chủ lực Quân khu V đã phối hợp cùng bộ đội và du kích địa phương đánh bại cuộc hành quân “ánh sáng sao” của quân đội Mỹ. Chiến thắng này cho thấy khả năng quân và dân ta có thể đánh thắng quân viễn chinh Mỹ trong diều kiện đối phương được trang bị vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại.



8.Những cảnh đẹp ở vùng Sa Kỳ - Cổ Lũy



Từ Thiên Ấn, Long đầu xuôi về hướng đông chừng 15km, ta sẽ bắt gặp những cảnh đẹp từ Sa Kỳ đến Cổ Lũy, thuộc vùng Mỹ Khê.



Bờ biển Mỹ Khê dài trên 10km, có 3 cảnh đẹp là: Cổ Lũy cô thôn, Thạch cơ Điếu tẩu, An Hải sa bàn.



Bờ biển Sa Kỳ - Cổ Lũy có hình cong lưỡi liềm, nước biển ngắt xanh, bãi cát vàng, sạch sẽ, có rừng phi lao rì rào quang năm, không khí trong lành, là nơi nghĩa mát và tắm biển rất tốt. Các quan chức Quảng Ngãi xưa thường đến đây nghĩ mát trong những ngày hè.



Thôn Cổ Lũy thuộc xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh là một mảnh đất rợp mát bóng dừa, vây bọc bởi sông nước và biển cả. Mặt sau thôn là sông Kinh, có rừng dừa nước xanh tốt, là căn cứ bất khả xâm phạm của đội du kích Tịnh Khê trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Vào những chiều sương khói mờ ảo, hoàng hôn vây phủ, từ trong đất liền nhìn ra, Cổ Lũy như bị tách biệt, gợi cảm giác cô liêu, nên được gọi là "cô thôn".



Từ Cổ Lũy đi theo hướng đông bắc tới của Sa Kỳ có mõm núi cao thuộc xã Tịnh Kỳ. Thôn An Kỳ, An Vĩnh của xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh hợp với thôn An Hải thuộc xã Bình Câu huyện Bình Sơn thành vùng Ba Làng An nổi tiếng trong kháng chiến chống Mỹ. Tại mõm An Vĩnh có nhiều phiến đá hình thoi xếp thẳng hàng như có bàn tay vô hình nào sắp đặt, dựng thành vách đá cao. Ở đây có một hang đá lộ thiên, sóng biển dội vào, nước trong hang sủi bọt như đang sôi lên, nên được gọi là Hầm Rượu. Lại có những vết lõm xuống mặt đá, hình dạng như dấu bàn chân, nên gọi là "bàn chân khổng lồ". Đứng chơi vơi ngoài mép nước là một tảng đá nhô cao, được gọi là "Thạch cơ điếu tẩu" (Ông câu trên gành đá).



Đất Tịnh Kỳ nằm sát cửa Sa Kỳ, đối diện đảo Lý Sơn, có đường biển nối liền với đảo. Tịnh Kỳ vừa nổi tiếng với nghề làm mắm (mắm Xuân An, mắm Tịnh Kỳ) vừa là một làng ven biển thơ mộng.



Là một cửa biển được xây dựng thành cảng, một vùng nước rộng soi bóng những đồi thông, mõm núi, làng chài... Sa Kỳ là một bức tranh hoành tráng và mỹ lệ. Ở bờ bắc cửa biển có một bãi cát xoay tròn bốn phía và lõm xuống ở giữa, được gọi là "An Hải sa bàn" (mâm cát An Hải).



Vào giữa thế kỷ XIX, Trương Đăng Quế - một đại thần triều Nguyễn, lúc về già về sống ở quê, có một câu nói đầy lòng tự hào: "Nhất Huế, nhì đây Cổ Lũy cô thôn". Người Pháp đã so sánh Mỹ Khê với những bờ biển chan hòa ánh nắng đẹp dẽ của họ ở miền nam nước Pháp. Các phi công và ký giả Mỹ cũng thừa nhận vùng bờ biển Sa Kỳ - Cổ Lũy là "một trong những bờ biển đẹp nhất Việt Nam". Vùng biển này còn có khu chứng tích Sơn Mỹ nổi tiếng.



Cảnh đẹp Sa Kỳ - Cổ Lũy là một điểm tham quan du lịch lý tưởng nếu được giữ gìn và tôn tạo tốt.…



2. Danh lam thắng cảnh:

Biển Dung Quất



Nằm về phía đông bắc cách TP.Quảng Ngãi khoảng 45 km. Biển Dung Quất có độ sâu lý tưởng. Bến Dung Quất đang được xây dựng thành cảng nước sâu cho tàu hàng vạn tấn cập bến. Trong tương lai Dung Quất trở thành cảng dầu khí lớn nhất Việt Nam. Với thành phố Vạn Tường hiện đại xây dựng trong nay mai, Quảng Ngãi, mảnh đất giàu tiềm năng, điểm thu hút đầu tư nước ngoài ở miền Trung và là điểm du lịch hấp dẫn khách trong nước và ngoài nước



Nét đẹp Sa Hùynh



Sa Huỳnh nằm ở cực nam tỉnh Quảng Ngãi, thuộc huyện Đức Phổ, cách TP.Quảng Ngãi 60 km. Sa Huỳnh là bãi biển đẹp, nổi tiếng là vựa muối quan trọng ở miền Trung. Bãi biển Sa Huỳnh nằm sát quốc lộ 1A, ở km 985, có ga xe lửa Sa Huỳnh, cho nên từ Hà Nội vào hay từ thành phố Hồ Chí Minh ra, du khách có thể dừng chân ghé lại đây rất thuận lợi. Địa danh Sa Huỳnh phải viết cho đúng là Sa Hoàng, có nghĩa là cát vàng. Thật vậy, màu cát ở đây không trắng như ở nơi khác mà lại có màu vàng óng ánh thật đẹp. Sở dĩ, phải viết thành Sa Huỳnh, vì chữ “ Hoàng” trùng tên Chúa Nguyễn Hoàng thời Nguyễn sơ.



Bến cá Sa Huỳnh Bãi biển Sa Huỳnh chạy dài đến năm, sáu km, cong cong hình lưỡi liềm. Đáy biển thoai thoải, không có bãi đá ngầm, có thể là những bãi tắm lý tưởng đối với du khách đến đây nghỉ hè, vui chơi và tắm biển. Ngoài ra, Sa Huỳnh còn có thắng cảnh ghềnh đá Châu Me, Đảo Khỉ… thu hút du khách vào các ngày nghỉ cuối tuần và các ngày lễ tết. Để phục vụ khách du lịch, ngành du lịch Quảng Ngãi còn xây dựng tại đây khách sạn Motel Sa Huỳnh để đón khách đến nghỉ ngơi, an dưỡng. Từ lâu, Sa Huỳnh được biết đến như là di chỉ khảo cổ học với “Văn hóa Sa Huỳnh “. Đầu thế kỷ 20, các nhà khảo cổ học người Pháp như Vinet, Labare, Colani đã phát hiện ở Sa Huỳnh hàng loạt mộ chum và nhiều hiện vật tiêu biểu cho nền văn hóa cổ xưa bị chìm khuất dưới lòng đất qua thời gian dài lịch sử. Các kết quả khai quật được nghiên cứu và kết luận, dải đất từ Đèo Ngang cho đến Đồng Nai (Nam Bộ) lên cả Tây Nguyên, từ sơ kỳ đồng thau cho đến sơ kỳ sắt đá nơi hiện diện một nền văn hóa độc đáo của nhân loại và được định danh bằng khái niệm “Văn hóa Sa Huỳnh”'. Những gò Ma Vương, gò Điều Gà … là những nơi có nhiều dấu tích của nền văn hóa Chăm pa, từ lâu đã thu hút nhiều du khách đến tham quan và nghiên cứu. Sa Huỳnh đã đi vào lịch sử nước nhà, là nơi mà hơn 500 năm trước, đoàn quân nam chinh của vua Lê Thánh Tông dừng chân lại đây nghỉ ngơi và luyện tập, biên chế thành đội ngũ trước khi tiến đánh cửa Thị Nại và kinh thành Đồ Bàn. Sa Huỳnh trở thành hải tấn quan trọng thời nhà Nguyễn để canh phòng mặt biển. Đến khi người Pháp đến xâm lược đất nước ta, mở tuyến đường sắt bắc - nam, lại cho xây dựng ga xe lửa Sa Huỳnh để vận chuyển muối từ Sa Huỳnh đi các nơi khác. Sa Huỳnh qua bao lần biến đổi đã trở thành nơi nghỉ mát, du lịch hè lý tưởng. Sa Huỳnh có đủ các món ngon đặc sản biển nhưng hấp dẫn nhất là món mắm nhum và cua huỳnh đế. Người Sa Huỳnh có câu: “Giàu chất của kho, nghèo lo hủ mắm”. Con nhum (cầu gai) đã hiếm và chỉ bắt theo mùa. Còn mắm nhum thì hiếm hơn. Mắm nhum Sa Huỳnh nổi tiếng cả nước, thời nhân Nguyễn, vua Minh Mạng hạ lệnh hằng năm địa phương phải “tiến” về kinh đô 12 cân mắm. Mắm nhum thời đó trở thành “mắm tiến”. Sau mắm nhum là cua huỳnh đế. Đây là giống cua to con, cân nặng cả ký, toàn thân có màu đỏ gạch. Đã đặt chân đến Sa Huỳnh, du khách khó quên món cua luộc chấm muối. Mỗi người chỉ ăn vài con cũng đủ no nê. Khách có thể chọn vài xâu cua còn tươi rói mang về làm quà cho người thân. Sa Huỳnh còn là vựa muối lớn ở miền Trung, chẳng thua kém gì muối Cà Ná và muối Hòn Khói. Diện tích các cánh đồng muối ở đây chiếm gần 500 ha và hàng năm sản xuất hàng trăm ngàn tấn muối có chất lượng tốt. Muối Sa Huỳnh từ lâu có mặt khắp các thị trường miền Trung và Tây Nguyên, và dùng nhiều trong công nghiệp chế biến thực phẩm tiêu dùng. Từ làng chài nghèo nàn và hoang sơ, Sa Huỳnh ngày nay đã trở thành một thị tứ nho nhỏ, xinh xinh nằm ẩn mình dưới hàng dương rủ bóng thướt tha và rừng dừa thơ mộng, là nơi mà ai đã đến một lần thì thông thể quên, không những vì cuộc mưu sinh ở đây dễ dãi mà còn vì tình cảm con người ở đây mộc mạc và thiết tha: Ngó ra ngoài bãi cát vàng, Cát bao nhiêu hạt, thương chàng bấy nhiêu Ngay cả như nhà thơ Xuân Diệu, sinh thời đã có một lần đến Sa Huỳnh, như đã cảm nhận được vẻ đẹp của đất, trời, biển nước ở đây và đã thốt lên: Hỏi mình biển đẹp vô ngần, Sóng xanh như đến dừng chân Sa Huỳnh



Vẻ đẹp Sa Cần



Sa Cần là một trong năm cửa biển của người Quảng Ngãi, nằm ở phía đông bắc huyện Bình Sơn, nơi sông Trà Bồng (hay sông Châu Tử) đổ ra biển. Sách xưa gọi Sa Cần là Thái Cần hay Thể Cần. Sông Trà Bồng chạy đến gần cửa biển thì mở rộng lòng, nước rất êm. Giữa lòng sông nổi lên một quả núi nhỏ với nhiều tảng đá lớn chồng chất lên nhau, gọi là hòn Bà, sách Ðại Nam Nhất thống chí gọi là "Ghềnh Thạch Bàn". Bên ngoài cửa biển, đối diện với hòn Bà và lớn hơn hòn Bà là hòn Ông, cũng nhiều đá nhưng có cây cối xanh tốt. Về phía tả ngạn cửa biển còn có hòn Kẽm, núi Cổ Ngựa nên ca dao cổ có câu:

Hòn Ông, hòn Kẽm, hòn Bà Hòn Ông ai đắp, Cổ Ngựa bà ai xây.



Cả vùng chung quanh cửa Sa Cần là một "hợp thể" của vẻ quyến rũ, thơ mộng, ngay bên cạnh Vũng Quýt, nay gọi là Dung Quất.



Bên cạnh hòn Ông, hòn Bà với những nét sinh động của tạo hóa, với cảnh sông nước êm đềm, ghe thuyền tấp nập, là các làng chài hai bên cửa biển rợp bóng dừa, rừng dương. Phía tả ngạn là xã Bình Thạnh, với bãi Khe Hai sạch sẽ nằm cách cửa biển không xa thu hút rất nhiều du khách đến nghỉ ngơi, tắm biển. Phía hữu ngạn là các xã Bình Ðông, Bình Thuận với các gành đá dựng đứng mặc sóng gió vỗ vào bờ. Cũng chính tại vùng này đang mọc lên nhà máy lọc dầu số và khu công nghiệp phức hợp Dung Quất. Cảnh vật Sa Cần càng thêm đem và thuận đường đi đến nhờ con đường mới mở về Dung Quất và cầu Trà Bồng mới xây cánh cửa biển chỉ một cây số.

Sa Cần không chỉ quyến rủ bởi vẻ thơ mộng của thiên nhiên mà còn hấp dẫn bởi nét sinh hoạt đặc trưng của ngư dân quanh cửa biển với tục thờ cá Ông, hội đua thuyền, hát bả trạo... Sa Cần còn cho du khách mênh mang cảm giác về thời gian, về lịch sử, khi biết cách đây hơn 530 năm (năm 1471), vua Lê Thánh Tông từng thân chinh đến cửa biển này trong cuộc Nam chinh lịch sử.



Bởi những lẽ đó, đến với khu công nghiệp và cảng Dung Quất, ta không nên bỏ qua Sa Cần, cũng như khi đến cửa Sa Cần, ta cũng nên đến với Dung Quất đang tấp nập các công trình dựng xây



Thác Trắng



Thác Trắng nằm ở giữa huyện Minh Long. Từ trung tâm huyện lỵ Minh Long đi bộ chừng 40 phút là đến thác Trắng. Xung quanh thác Trắng là một vùng đồi núi rộng lớn chập chùng, ngút ngàn một màu xanh cây lá, thật thơ mộng, trong lành và yên tĩnh. Từ độ cao hơn 40m, dòng nước bạc tuôn trào như suối tóc của nàng tiên buông xõa theo ghềnh đá.



Đến Minh Long giữa những ngày tháng 6 âm lịch, là thời gian cao điểm của nắng nóng, nhưng bên thác Trắng chúng ta như ngỡ mình đang ở giữa những ngày mùa đông. Nơi đây còn có hai hồ nước tự nhiên gần kề nhau dưới chân thác, mỗi hồ khoảng trên 100 m³, nước xanh biêng biếc.



Bãi Biển Mỹ Khê



Bãi biển Mỹ Khê nằm trên quốc lộ 24B cách thị xã Quảng Ngãi 15 km, cách cảng Dung Quất 16 km và gần cảng Sa Kỳ, thuộc địa phận thôn Cổ Luỹ, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh. Mỹ Khê là bãi tắm lý tưởng của tỉnh Quảng Ngãi với không gian mênh mông, bãi cát mịn, độ dốc thoải, được che chắn kín đáo, chạy dài 7 km, phía sau là rừng dương xanh thẳm, bên cạnh là con sông Kinh mang vị ngọt của thượng nguồn đỏ về và vị mặn của biển đem lại nhiều đặc sản biển phong phú



Hàng năm khách đến bãi biển Mỹ Khê ngày càng đông. Ngoài việc nghỉ ngơi, tắm biển và hít thở bầu không khí trong lành, du khách còn có dịp thăm quan tưởng niệm khu chứng tích chiến tranh Sơn Mỹ. Tỉnh Quảng Ngãi đã có qui hoạch tổng thể khu du lịch Mỹ Khê với diện tích 342 ha để xây dựng các khu vui chơi, giải trí và nghỉ ngơi như khách sạn Mỹ Khê, khu camping dành làm nơi cắm trại.



Biển Khe Hai


Biển Khe Hai thuộc xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, nằm cách QL1A (đoạn ngã ba Dốc Sỏi – Dung Quất) khoảng chừng 3 km về phía đông. Vào ngày hè, có đông đảo du khách của Quảng Nam và Quảng Ngãi đến đây tắm biển nghỉ ngơi.



Khe Hai có một bãi cát trắng mịn, rặng phi lao ngút ngàn song hành với bờ biển xanh. Phía tây có ngọn núi chạy dài từ bờ rồi lấn sâu ra biển tạo thành một nửa vòng cung rất đẹp, đó là dãy Bàn Than. Phía đông có hòn núi nhô lên gọi là Hòn Ông.



Từ bãi biển Khe Hai theo đường cao tốc đến cảng biển nước sâu Dung Quất. Nhà máy Lọc dầu số 1 và TP.Vạn Tường từ 5 – 7 km.



(Nguồn: Sở TM-DL)[/justify]

beyeu_206108
Hội viên mới
Hội viên mới

Tổng số bài gửi : 18
Join date : 22/08/2011

Về Đầu Trang Go down

like Re: Các tuyến du lịch, danh lam thắng cảnh tiêu biểu ở Quảng Ngãi

Bài gửi by beyeu_206108 Sat Sep 03, 2011 4:20 pm

Nhà mình nằm ở tuyến di lịch số 2:tp.Quảng Ngãi-Mỹ Khê, mình ở sát biển Mỹ Khê. Ai có điều kiện ra đó tham quan, sẵn tiện ghé nhà mình nhé!!!!!!!!!!!

beyeu_206108
Hội viên mới
Hội viên mới

Tổng số bài gửi : 18
Join date : 22/08/2011

Về Đầu Trang Go down

like Re: Các tuyến du lịch, danh lam thắng cảnh tiêu biểu ở Quảng Ngãi

Bài gửi by venguon Tue Sep 06, 2011 11:06 pm

hehe...hôm nào đạp xe ra nhà bạn tham quan 1 chuyến cho biết Smile
venguon
venguon
Người điều hành
Người điều hành

Tổng số bài gửi : 173
Join date : 01/03/2011
Age : 34

https://venguon.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

like Re: Các tuyến du lịch, danh lam thắng cảnh tiêu biểu ở Quảng Ngãi

Bài gửi by trongdoan_thanhhoai Thu Sep 29, 2011 9:18 pm

anh sap di ctac o dung quat co gi anh ghe choi
trongdoan_thanhhoai
trongdoan_thanhhoai
Hội viên ưu tú
Hội viên ưu tú

Tổng số bài gửi : 306
Join date : 22/03/2011
Age : 38
Đến từ : Dan Phuong -Ha Noi

Về Đầu Trang Go down

like Re: Các tuyến du lịch, danh lam thắng cảnh tiêu biểu ở Quảng Ngãi

Bài gửi by Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết