CLB Tuổi Trẻ Về Nguồn
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Đặc sản Quảng Ngãi

3 posters

Go down

Đặc sản Quảng Ngãi Empty Đặc sản Quảng Ngãi

Bài gửi by beyeu_206108 Sat Sep 03, 2011 4:36 pm

Cá thài bai sông Trà
-------



Cá thài bai nhỏ xíu, chỉ bằng đầu đũa, thân hình giống hệt con cá bống. Giống "cá kim" này có hai loại, một loại có mầu trắng tinh từ đầu đến đuôi, loại kia toàn thân cũng là mầu trắng, chỉ khác phía trên sống lưng có một vệt đỏ sẫm. Cả hai loại đều sinh sôi nhiều ở cuối sông Trà (thuộc vùng Khuê Nam - xã Tịnh Khê, Sơn Tịnh) và chỉ rộ vào những tháng của mùa xuân, tức từ tháng Chạp đến tháng 3 âm lịch. Còn các mùa khác trong năm không thấy xuất hiện. Chúng đi thành từng đàn, ngày đi đêm nghỉ, tìm tới chỗ có cồn cát, nước nông và trong để ngủ. Vào mùa xuân, nước sông Trà xanh như ngọc. Dùng thuyền nhỏ lướt nhẹ hoặc đứng ẩn nấp kín đáo chỗ nào đó trên bờ, rồi dõi mắt xuống dòng nước trong xanh, ta sẽ bắt gặp những đàn cá thài bai chuyển động. Ðàn cá đẹp tựa như dải lụa trắng, đỏ mịn màng. Biết rõ đặc tính và "đường đi nước bước" của loài cá này, nhà chài đã dẫn dụ bằng cách be cát lại thành tuyến dài, rồi đặt chiếc đó thật dày (làm bằng nan tre, mỏng và chắc) ở ngay đầu con nước. Anh em nhà cá mắc bẫy nối đuôi nhau chui hết vào trong đó, nhiều khi đầy nghẹt, phải đợi trút cá ra thúng, mủng, rồi lại đơm tiếp.

Cá thài bai thuộc loại đặc sản quý hiếm. Mỗi cân cá dao động khoảng từ 40 nghìn đến 50 nghìn đồng đắt hơn cá bống (sông Trà). Tuy đắt nhưng đối với những người được ăn một hay nhiều lần thì chẳng bao giờ so đo, mặc cả về giá cả, hễ ngoài chợ có bán là mua ngay về để cả nhà hoặc anh em bè bạn cùng được thưởng thức. Người xứ Quảng thường chế biến cá thài bai thành ba món: hấp, chiên và ram. Trong đó, món chiên là quen thuộc, phổ biến, được nhiều người ưa chuộng. Sau khi rửa thật sạch, ướp mắm muối và các loại gia vị, rồi bắc chảo mỡ lên bếp, phi hành cho thơm, cho cá vào để lửa cháy riu riu, khoảng 10 phút là cá vừa ngấm. Nhắc xuống, bày cá vào đĩa lớn, đi kèm đĩa rau sống sạch, đủ loại, cùng xấp bánh tráng mỏng để cuốn. Cá thài bai ram ăn cùng bánh tráng dày nướng chín, giòn là hợp nhất. Ðối với cánh mày râu, có thêm chút rượu Bàu Ðá (Bình Ðịnh) thì thật rôm rả. Cá thài bai vừa mềm vừa ngon. Mùi vị của nó thơm, quyến rũ lạ, khó có thể diễn tả hết bằng lời. Ai có dịp về Quảng Ngãi được thưởng thức một lần thì khó có thể quên được món ăn dân dã thú vị, đầy tình cảm của người dân xứ Quảng. (Theo ND)

Hương vị quê nhà: Đồn đột cù lao ré


Đồn đột là một trong thứ hải sâm quí hiếm mà ngày xưa, người dân biển ở cù lao Ré (bây giờ là huyện đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi), phải vất vả lặn lội biển sâu bắt mang về, chủ yếu để cống nạp cho vua quan chứ mình đâu được ăn…


Con Đồn đột giống như con giun khổng lồ đầy màu sắc ở tít dưới đáy biển, trong hang đá, khe cát có độ sâu 10-30m, ở dưới nước, đồn đột có con dài đến 40cm, đường kính gần 20 cm, nặng từ 1-3 kg. Bị bắt lên, Đồn đột thun lại, tròn như trái bóng, cái lỗ miệng bé tí như lỗ van bơm hơi. Da Đồn đột thay đổi màu sắc tùy theo môi trường nơi nó sống như tắc kè vậy. Sờ vào da Đồn đột, thấy mềm mát đến lạnh xương sống!


Trước đây, dân cù lao Ré chèo ghe ra các gành đá cách đảo vài hải lý, một ngày bắt được hàng trăm con Đồn đột. Nay thì khá hiếm hoi, chỉ dăm mười con trong một ngày lặn hụp cật lực đã là hên lắm.


Người ta xẻ bụng đồn đột rửa sạch cát, luộc chín, phơi khô rồi mới bán cho lái buôn để xuất khẩu. Đồn đột có giá trị kinh tế cao. Nếu để tươi hoặc luộc chưa chín, Đồn đột chảy thành nước chỉ còn da thì không ai mua nữa.


Ăn Đồn đột rất công phu. Trước hết là mổ bụng rửa sạch cho hết cát. Ruột Đồn đột như ruột giun, chỉ một đường ống từ đầu đến cuối, không có tim gan phèo phổi gì hết. Xương cũng không. Mổ rửa xong, ngân nước muối, luộc chín, lấy thanh tre căng ra phơi thật khô. Muốn ăn lại luộc lần nữa, cạo sạch lớp da ngoài vì người ta cho là da độc. Nhưng người Hoa lại để nguyên cả da. Xắt Đồn đột nhỏ ra như miếng cùi dừa nấu với thuốc bắc.


Cũng có thể để nguyên cả con bỏ vào bụng gà đen (ác kê) sau khi đã mổ làm sạch gà, cho vào nồi đồng hầm nhừ để ăn cho tăng cường sinh lực.

(N.V.C)

Cá bống sông Trà
-------




Có những món ăn đơn giản đến mức không thể nào đơn giản hơn được nữa, ấy vậy mà nó trở thành đặc sản của một địa phương. Dù đi đâu, xa quê bao lâu người ta vẫn nhớ đến. Cá bống sông Trà (Quảng Ngãi) là trường hợp như thế. Dòng sông Trà bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, đổ ra biển với chiều dài trên dưới 39km, cá tôm không nhiều về chủng loại cũng như số lượng nhưng con nào ăn cũng ngon, đặc biệt là cá bống. Cá bống ngon nhất vào mùa hè, ngư dân ở đây thường bắt cá bống bằng ống trống (ống tre dài khoảng 1m, trống hai đầu, dùng một cọc nhọn cắm xuống nước). Chiều hôm trước người ta đem ống cắm dưới sông, sáng sớm hôm sau ra sông lặn xuống "túm" hai đầu xổ ra bắt gọn những chú cá trong ống. Buổi sáng, cá đem về còn giãy đành đạch, tươi rói; bỏ cá vào niêu đất cho gia vị ớt, hành, tiêu chế nước xăm xắp chụm lửa riu riu hơn tiếng đồng hồ nhắc xuống, con cá vừa dai vừa thơm vừa mằn mặn ăn với cơm trắng. Nếu cá đã kho hai ba "lửa" thì ăn rất "đã" với vị cay cay mặn mặn của gia vị, thơm thơm dai dai của thịt cá, ăn mãi mà không chán.

Người ta thường bảo: "Cá bống kho tiêu, cá thiều nấu ngọt". Cá bống kho tiêu là món ăn đặc biệt của vùng sông nước Trà Giang. Ngon nhất phải nói đến loại cá bống cát ở sông Trà gọi là "Trà Giang sa ngư". Cá bống cát ở sông Trà có nhiều loại, từ loại cá bống cát nhỏ con, màu vàng nhạt, cỡ bằng ngón tay út cho đến loại cá bống vồ, to con, và loại cá bống mú có thân hình tím sẫm như loại cá mú biển (còn gọi là cá bống than) thịt nhão, không ngon bằng thịt cá bống cát.

Muốn bắt cá bống, người ta dùng những ống tre cưa từng đoạn dài khoảng năm tấc tây, có chừa đốt ở giữa đoạn, để trống hai đầu ống cho cá chui vào ở. Mùa thả ống bắt đầu vào khoảng tháng tám âm lịch khi các guồng xe nước đã dọn xong để tránh mùa mưa lũ - cũng là lúc cá bống bắt đầu mùa chửa, đẻ. Nước sông Trà lúc bấy giờ cạn, chỉ ngập đến lưng quần. Chỗ sinh đẻ thích hợp cho cá bống là đoạn nước cạn đứng nước và trong veo vẻo. Người ta chọn lạch sông vừa tầm ống, đem ống ra cắm từng hàng ngang nhau, thẳng góc với dòng nước và cách đáy sông khoảng ba tấc tây. ống này cách ống kia chừng 2m. Cứ sau 24 giờ, người ta đi bắt cá một lần gọi là đi trút ống. Người đi trút ống mang theo sau lưng chiếc "vịt" đan bằng nan tre để đựng cá. Ðể bắt cá cho chắc ăn, đưa hai tay nhè nhẹ bịt lấy hai đầu ống rồi nâng lên khỏi mặt nước và trút nhanh vào chiếc "vịt". Xong, lại cắm ống trở về vị trí cũ. Những cử động của người đi trút ống hết sức nhẹ nhàng, khéo tay để tránh gây tiếng động khiến cho cá nằm trong các ống khác chạy trốn mất. Người ta còn dùng cả lưới ngao để bắt cá. Ðồ kéo ngao gồm có một tấm lưới đan bằng gai hay tơ, dài độ 7m, cao 1m, hai đầu có sào chắn lưới. Một đầu sào vót nhọn để cắm xuống sông khi chăng lưới đón cá. Mỗi dây ngao làm bằng vỏ ngao biển kết lại thành dây dài từ 30 đến 40 m.

Cá bống đem về nhà đánh vảy, chặt hết vây và lấy hết ruột. Xong đem cá bỏ vào chiếc rổ tre có trộn ít muối hột, chà đi xát lại nhiều lần cho sạch hết vảy. Ðoạn, rửa cá thật sạch mới đem bỏ vào chiếc tô lớn và ướp nước mắm ngon để độ mươi phút. Bây giờ mới đổ cá vào chiếc "trách đất" đã tráng một lớp mỡ hay dầu ăn đã khử rồi đổ thêm nước mắm ngon vào trách sao cho vừa xăm xắp và đun lửa riu riu cho đến lúc chín. Cuối cùng, mới dùng đũa tre trộn cá cho thật đều, nhớ trộn cho khéo tay để cá khỏi bị nát, rồi rắc tiêu bột và nước màu lên mặt. Ðậy nắp trách cho thật kín để um hơi cho nước màu và tiêu ngấm dần vào cá. Ðộ chừng năm phút sau mới đưa trách cá xuống lò nhưng nắp vẫn đậy kỹ cho đến bữa cơm mới đem ra dùng. Lúc mở nắp trách, mùi vị thơm nứt mũi, dù bụng ta có no cũng khó mà chối từ./.

Gỏi cá cơm
-------



Ở vùng ven biển Dung Quất (Bình Sơn, Quảng Ngãi), tháng giêng, hai là vào mùa cá cơm, những con tàu mỗi khi ra khơi trở về, lòng khoang đầy ắp cá cơm, làm bến bãi thêm nhộn nhịp.

Cá cơm được chế biến nhiều món: Cá cơm rim với tiêu, ớt để ăn trong các bữa cơm hằng ngày; cá cơm hấp, phơi khô để đem đi xa, dành cho những ngày đông buốt giá và cá cơm để làm mắm. Mắm cá cơm thơm ngon quyến rũ đến lạ kỳ. Bên cạnh đó, gỏi cá cơm, một món tuy dân dã nhưng rất độc đáo.

Gỏi cá cơm là món ăn đơn giản. Muốn làm ngon phải bắt đầu từ khâu chọn lựa cá. Cá đánh về còn tươi roi rói, mầu da ánh lên trắng xanh. Nếu cá to bằng ngón tay út, các bà nội trợ phải vặt đầu, tước thành hai mảnh và bỏ xương. Còn cá nhỏ hơn thì chỉ việc bỏ đầu và ruột nhỏ. Cá rửa sạch và để ráo nước, cho vào nồi đổ ít dấm, bắc lên bếp lửa đun liu riu, nước dấm chỉ được sôi lăn tăn không sôi "bùng" lên, khoảng 15 đến 20 phút đem xuống trút vào rổ sạch để ráo nước. Nước dấm đun với cá được dùng để chế biến thành nước tương. Một chút bột bánh in làm bằng nếp, dăm trái chuối mốc (chuối Đồng Nai) đã chín nẫu đem giã nhuyễn và trộn vào thứ nước lèo đó bắc lên bếp đun sôi, nêm mắm muối, gia vị là được bát nước tương ngon lành, có hương vị béo, ngọt, bùi, chua... Cá cơm hấp chín cho vào bát to, trộn thêm lạc giã nhỏ cùng các loại gia vị tiêu, hành, vắt thêm chút nước chanh tươi có vị chua chua vào là được món gỏi cá cơm thật hấp dẫn...

Món gỏi cá cơm không thể thiếu đĩa rau sống: rau xà lách, cải tầu ô, cải canh xanh mướt, dăm trái cà chua chín đỏ và đôi ba trái chuối chát được xắt lát mỏng trộn đều... Một gắp rau sống, một hoặc hai gắp gỏi cá cơm tùy ý để vào chiếc bánh tráng mỏng và cuốn lại, chấm nước tương, nếu thích cay dùng thêm tí ớt, tí tỏi và nhấp thêm một chút rượu gạo, để dẫn đường làm cho miếng gỏi cá cơm thêm thi vị. Tất cả các vị ngọt bùi, cay đắng, chua chát... tan vào miếng gỏi cá cơm. Một bữa gỏi cho năm, bảy người không tốn kém bao nhiêu mà hương vị của nó khiến ta nhớ mãi.

Don
-------

Từ bao đời nay người dân Quảng Ngãi đã biết tận dụng những sản vật sẵn có ở địa phương để chế biến những món ăn độc đáo. Các món đặc sản này bình dị nhưng đậm đà phong vị quê hương, ngon miệng và giàu chất bổ dưỡng. Don là một trong những món ăn rất độc đáo của Quảng Ngãi, nhẹ, mát, bổ, rẻ tiền và hấp dẫn. Con don thuộc họ nhà hến, thân bọc bằng hai nửa vỏ úp nhau nhưng don nhỏ hơn hến và chỉ có ở sông Quảng Ngãi. Người ta đi cào don như cào hến. Nấu don thường theo tỉ lệ một bát don vỏ hai bát nước. Cách đãi don cũng như cách đãi nấu hến. Khi don chín, đãi bỏ vỏ, lấy ruột cho vào nước luộc. Đó là cách ăn một lần chung cả nước lẫn cái. Ruột don ít nhưng nước don thơm ngon, vừa ngọt, vừa thanh.

Ở thị xã Quảng Ngãi có thể gặp don bán khắp nơi, từ các quán sang trọng đến các gánh vỉa hè. Dân sành điệu thường ăn don gánh. Do ở quán, cách nấu bị pha tạp và chủ quán thường hay sử dụng don làm sẵn để vào tủ lạnh. Ngày tết don bán rất đắt hàng. Người bán thường nấu dễ dãi, đại khái cho kịp khách. Dân ghiền phải đi lùng don gánh. Có du khách từng rất thích thú khi một lần được ăn món “Don” bán ở vỉa hè. Người bán bỏ ra một chồng bánh tráng nướng, một chén tương ớt và một đĩa đậu phộng rang vàng ươm. Người bán hàng múc cho khách một tô nước màu có rắc khá nhiều hành ngò. Khách đón nhận lấy tô, bỏ tương rắc đậu vào rồi khuấy nhẹ, từ dưới bát nổi lên những lát hành tây xắt mỏng và những con trông giống như con hến nhưng bé thua con hến 2-3 lần. Đấy chính là món “Don” một đặc sản của văn hóa ẩm thực tại thị xã Quảng Ngãi.

Những món ăn ngon cũng được chế biến từ don như canh don, cháo don, gỏi don. Cách ăn ngon và tốn kém hơn là làm món “ruột don xào” với miến, bún, bánh tráng hoặc bánh tây để nhắm với rượu, với bia. Đây cũng là món ăn đãi khách, bạn bè rất đặc biệt, đậm đà hương vị quê hương.(T/CQ H)

Kẹo Mạch Nha
-------



Từ bé đến lúc trưởng thành, chắc chắn ai cũng đã từng thử qua món "bánh tráng kẹo". Miếng bánh tráng ở bên trên "trát" một lớp mỏng mạch nha và rắc thêm chút dừa trắng, chút mè vàng. Thế là đủ vị ngọt bùi. Miếng "bánh tráng kẹo" đã đi vào ký ức tuổi thơ của chúng ta cũng chính là nhờ miếng mạch nha thơm, ngọt quê nhà.

Mạch nha có tiếng ngon là mạch nha Mộ Đức, làng Thi Phổ, gần thị trấn Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi. Mạch nha ở một số vùng khác nhất là ở Bến Tre, lại là nguyên liệu chính cho kẹo dừa đặc sản.

Làm mạch nha, chỉ cần hai nguyên liệu: nếp và mộng lúa già. Nếp phải lớn hạt, không lép, phơi thật khô. Mộng lúa phải già nắng. Lúa sàng cho thật sạch, ngâm nước qua đêm, rồi bỏ vào thùng, sau khi xả nước, ủ kín 4-5 hôm cho lúa đâm mộng thật đều. Lấy mộng tốt đem phơi nắng cho khô, đem giã thành bột gọi là bột mầm. Nếp sau khi xôi cho vào chảo gang thật lớn, đổ nước sền sệt rồi bỏ thêm bột mầm vào khuấy đều và đun sôi. Cứ một nồi bảy xôi, thì bỏ vào 1 kg bột mầm khuấy đều như thế độ 12 giờ liền mới vớt ra, đổ vào chiếc bao, ép lấy tinh chất nếp, còn xác thì bỏ đi.

Lấy được tinh chất nếp còn phải đem "cô" lại mất 4-5 giờ nữa mới thành một chất dẻo, thơm thơm, ngọt thanh. Đó là mạch nha.

Mạch nha ngon hay dở, đặc hay lỏng, để lâu được hay không là do ở nghệ thuật nấu "cô". Mạch nha có mùi thơm dìu dịu, vị thanh thanh, trong mà không cần nấu với bột, ngọt mà không cần nấu với đường.

Bây giờ hay lúc nào, ai đã từng đến xứ Quảng, lúc trở về đều không quên mang theo những lon mạch nha, hình thức nhãn hiệu tuy đơn sơ nhưng kẹo trong, ngon, sản phẩm đặc biệt của một vùng.

beyeu_206108
Hội viên mới
Hội viên mới

Tổng số bài gửi : 18
Join date : 22/08/2011

Về Đầu Trang Go down

Đặc sản Quảng Ngãi Empty Re: Đặc sản Quảng Ngãi

Bài gửi by venguon Tue Sep 06, 2011 11:04 pm

Toàn những món ăn mà bây giờ mới biết đến , cảm ơn về bài chia sẽ của bạn ^^
venguon
venguon
Người điều hành
Người điều hành

Tổng số bài gửi : 173
Join date : 01/03/2011
Age : 34

https://venguon.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

Đặc sản Quảng Ngãi Empty Re: Đặc sản Quảng Ngãi

Bài gửi by trongdoan_thanhhoai Thu Sep 29, 2011 9:34 pm

Mot lan dung chan o TXquang ngai anh da duoc a Don. rat ngon HeHe
trongdoan_thanhhoai
trongdoan_thanhhoai
Hội viên ưu tú
Hội viên ưu tú

Tổng số bài gửi : 306
Join date : 22/03/2011
Age : 38
Đến từ : Dan Phuong -Ha Noi

Về Đầu Trang Go down

Đặc sản Quảng Ngãi Empty Re: Đặc sản Quảng Ngãi

Bài gửi by Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết